Những điều cần lưu ý khi du lịch Đền Hùng vào dịp lễ

Ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm đã trở thành “điểm hẹn” tâm linh trong mỗi người dân nước Việt. Cứ đến ngày này, dù ai ở xa, dù ai đang bận rộn, dù đi đâu về đâu, cũng tìm đường về chân núi Nghĩa Lĩnh dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước. Để có một kỳ nghỉ lễ thật vui vẻ và an toàn, bạn hãy tìm hiểu những kinh nghiệm du lịch Đền Hùng trong bài viết dưới đây nhé!

1.Giỗ tổ Hùng Vương 2019 được nghỉ mấy ngày?

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông báo về việc nghỉ lễ, tết năm 2019 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội.

Theo thông báo này, sau đợt nghỉ tết 9 ngày vừa qua, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp tổ chức chính trị, xã hội sẽ có 2 đợt nghỉ trong tháng 4 tới. Trong đó, dịp Giỗ tổ Hùng Vương năm nay, người lao động được nghỉ 3 ngày và dịp lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng 30/4 và Ngày Quốc tế lao động 1/5 được nghỉ 5 ngày liên tục.

Cụ thể, Giỗ tổ Hùng Vương năm 2019 rơi vào Chủ nhật (ngày 14/4 dương lịch). Vì vậy. người lao động sẽ được nghỉ bù 1 ngày vào ngày Thứ hai (ngày 15/4). Như vậy, nếu cộng thêm ngày nghỉ cuối tuần là ngày Thứ bảy, thì công chức, viên chức được nghỉ Giỗ tổ Hùng Vương 2019 tổng cộng 3 ngày (từ Thứ bảy ngày 13/4 đến hết Thứ hai ngày 15/4).

Đối với dịp kỷ niệm 30/4 và Quốc tế lao động 1/5, ngày nghỉ sẽ bắt đầu từ thứ hai (29/4) đến hết thứ tư (2/5), và sẽ đi làm bù vào thứ bảy (4/5). Tổng cộng đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay sẽ kéo dài trong 5 ngày.

2. Kinh nghiệm khi đi du lịch Đền Hùng vào dịp lễ

Hướng dẫn đi lại

Có 3 tuyến đường đi đến Đền Hùng từ Hà Nội cho các bạn lựa chọn: Các bạn có thể đi hướng từ đường Phạm Văn Đồng ra Nam Thăng Long qua Vĩnh Phúc về Việt Trì rồi tới Đền Hùng, hoặc đi đường 32 bắt đầu từ Hồ Tùng Mậu qua Sơn Tây về Phú Thọ. Hai quãng đường này chỉ dao động trong khoảng 86 – 88km.

Tuy nhiên, để tránh tắc đường, các bạn có thể bắt đầu di chuyển bằng cách đi vào đại lộ Thăng Long về Sơn Tây rồi men theo Quốc lộ 32 rồi về Phú Thọ rồi Đền Hùng. Tuyến đường này có thể xa hơn một chút nhưng là lựa chọn tốt nhất cho các gia đình.

Trang phục khi tham gia lễ hội

Chuẩn bị trang phục dễ chịu, lịch sự khi đi Đền Hùng là điều vô cùng cần thiết. Đến làm lễ dâng hương với những vị tiên tổ của dân tộc, bạn cần ăn mặc lịch sự, kín đáo để đảm bảo thuần phong mỹ tục. Không những vậy, khu di tích rất rộng với các đền thờ khác nhau nên việc đi giày đế thấp, giày thể thao đế mềm sẽ giúp cho việc di chuyển dễ dàng, thuận tiện hơn.

Chuẩn bị lễ dâng hương

Cũng như tất các lễ hội khác việc dâng lễ nên tùy tâm của mỗi người. Nếu bạn dâng lễ thì tốt nhất bạn nên chuẩn bị từ nhà mang đi để tránh bị “chặt chém” giá. Lễ vật ngoài hai loại bánh mang biểu tượng của ngày giỗ Tổ là bánh chưng, bánh dày không thể thiếu, thì các bạn có thể sắm thêm lễ chay gồm hương hoa, trà, quả, phẩm oản… Hoặc lễ mặn gồm gà, lợn, giò, chả… được làm cẩn thận, nấu chín. Điều quan trọng chính là ở sự chân thành chứ không phải ở cái lễ.

Đảm bảo an toàn khi tham gia lễ hội

Ai cũng biết rằng khi tham gia lễ hội Đền Hùng, việc chen chúc, xô đẩy vì quá đông người là điều không thể tránh khỏi. Không chỉ vậy, tình trạc lạc trẻ em, bị móc túi là điều có thể xảy ra. Vì thế, hãy giữ gìn tư trang của mình thật cẩn thận, đặc biệt là ví và điện thoại.

Nếu đưa trẻ em đi cùng, các gia đình nên trông con cẩn thận. Dặn dò con nếu bị lạc bố mẹ thì cần làm gì và nhắc trước các em nhỏ luôn phải nắm tay bố mẹ khi đi đường. Nếu lối đến các đền ở khu di tích quá đông, các bố mẹ nên bế hoặc cõng các bé để không bị lạc và giúp các em nhỏ đỡ mệt.

Ngoài ra, tại khu di tích Đền Hùng đã có các trạm trợ giúp nên nếu có vấn đề thất lạc người thân hoặc mất tư trang, bạn hãy liên lạc ngay với ban quản lý. Các trạm trợ giúp này đều ở đầu lối vào nên bạn có thể quan sát ngay được.

Khám phá đặc sản và các điểm tham quan tại Phú Thọ

Đặc sản ở Đền Hùng, Phú Thọ là một số món dân dã như thịt chua, bánh tai, trám đen, xáo chuối Lâm Thao… Các bạn có thể mua về làm quà. Theo kinh nghiệm của những người thường xuyên đi lễ Đền Hùng, với những người chưa hoặc ít khi đi xa, bạn nên ăn sáng ở nơi thuận tiện, buổi trưa, sau khi đã chơi hội mọi người có thể về Việt Trì ăn. Ở  thành phố Việt Trì có khá nhiều quán ăn ngon cho du khách thoải mái lựa chọn.

Sau khi dâng lễ tại Đền Hùng, bạn có thể tham quan một số địa điểm như: Bảo tàng Hùng Vương – nơi lưu giữ các hiện vật cổ Nhà nước Văn Lang, thời đại Hùng Vương dựng nước và giữ nước; Triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề “Văn hóa đất Tổ – cội nguồn dân tộc Việt Nam” gắn với triển lãm mỹ thuật của các họa sỹ Hàn Quốc và Phú Thọ; Triển lãm tác phẩm đá chủ đề “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Việt Nam”; Triển lãm hình ảnh về di sản hát Xoan Phú Thọ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ…

Tổng hợp